Mỗi đứa bé, trong quá trình phát triển, luôn có vô vàn câu hỏi và cha mẹ chính là cuốn từ điển đầu tiên mà trẻ tiếp xúc. Một cuốn từ điển tốt sẽ là nền tảng quan trọng góp phần đặt những viên gạch đầu tiên hình thành kiến thức và nhân cách của trẻ.

Trung thu sắp đến, những cha mẹ có con nhỏ hẳn sẽ đối mặt những câu hỏi kiểu như vì sao lại gọi là Tết trung thu? Tết trung thu từ đâu có … Nhân dịp này, LiK xin chia sẻ một mẫu chuyện đối thoại ghi nhận được giữa hai cha con về chủ đề này.

tet trung thu

-          Con: Cha ơi, cô giáo nói thứ ba tuần sau là Tết trung thu. Tụi con sẽ có quà và được vui chơi. Nhưng Tết trung thu là gì vậy cha?

-          Cha: À, Tết trung thu là ngày Tết dành cho trẻ con diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Dịp này, trẻ em có thể đi rước đèn, xem múa lân, ca các bài hát Trung Thu, và ăn bánh kẹo cùng gia đình.

-          Vậy vì sao lại gọi là Tết trung thu cha?

-          Mùa thu kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9. Ngày Tết diễn ra vào giữa tháng 8, tức giữa mùa thu nên gọi là trung thu. Trong ngày này, trẻ có nhiều hoạt động vui chơi tương tự như ngày Tết nên gọi gọn lại là Tết trung thu đó con J

-          Vậy Tết trung thu từ đầu mà có vậy cha?

-          Truyện kể, xưa, có ông vua được sinh vào ngày rằm tháng 8. Nên cứ đến sinh nhật, vua lại truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn, bày tiệc ăn mừng. Việc này lặp lại theo thời gian, rồi người ta làm theo và thành phong tục.

-          Vậy mình ăn Tết trung thu tức là ăn mừng sinh nhật ông vua ngày xưa phải không cha?

-          Ừ, đúng rồi con. Xưa nay, ông vua là vị cai quản một đất nước, lo cho dân nên ngày sinh nhật của vua, người dân tổ chức tiệc mừng để chung vui và cũng là các để cảm tạ ân đức của vua.

-          Vậy bây giờ ông vua ở đâu cha?

-          Bây giờ thì không còn vua nữa. Cũng giống như con đọc truyện cổ tích vậy, xưa có công chúa, hoàng tử nhưng bây giờ không còn. Tuy vậy, tập tục ăn Tết trung thu do được xã hội chấp nhận nên vẫn còn duy trì đến ngày nay.

-          Không còn vua nữa, vậy giờ mình cảm tạ ai vậy cha?

-          Người Việt mình luôn có truyền thống tôn trọng tổ tiên nên Tết trung thu cũng dịp để con cháu nhớ thương nghĩ về ông bà. Ông bà sẽ rất vui nếu con có thể đến thăm ông bà vào dịp này.

-          Vậy trung thu này mình về thăm ông bà ngoại nha cha!

-          Uhm, trung thu này nhà mình sẽ về thăm ông bà ngoại, rồi con nhớ gọi điện hỏi thăm ông bà nội ở xa nữa nha.

-          Dạ, con nhớ rồi cha 

Trong cuộc sống, không có câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Mỗi gia đình, mỗi đưa trẻ, mỗi người cha, sẽ có một câu chuyện riêng. Mùa trung thu rồi cũng sẽ qua nhanh. Tuy vậy, nếu mỗi mùa trung thu, cha mẹ có thể qua đó bồi đắp cho trẻ những giá trị gia đình nhân văn thì đó là món quà quý mà ta mang lại cho cuộc đời của trẻ. Món quà đó sẽ theo trẻ và trao truyền đến những thế hệ tiếp theo. Và như vậy, mỗi mùa trung thu về, chúng ta lại có thêm cơ hội cho những ngày vui đoàn viên trong cuộc sống hôm nay.